Quyền tham chính của phụ nữ dân tộc thiểu số theo pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam

Quyền tham chính của phụ nữ dân tộc thiểu số theo pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam

Nguyễn Thị Hồng Yến nguyenhongyen@hlu.edu.vn Đại học Luật Hà Nội
Đỗ Quí Quang doquihoang@hlu.edu.vn Đại học Luật Hà Nội
Tóm tắt: 

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới kí tham gia Công ước xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ vào ngày 29/7/1980 phê chuẩn vào ngày 27/11/1981. Từ đó đến nay, Việt Nam đã nỗ lực không ngừng trong việc thực thi các cam kết quốc tế trong Công ước và tạo không gian pháp lí bình đẳng cho việc thụ hưởng các quyền con người của nữ giới, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị. Bài viết phân tích khung pháp luật quốc tế về quyền tham chính của phụ nữ dân tộc thiểu số và quá trình nội luật hoá các quy định này trong hệ thống pháp luật Việt Nam; chỉ ra những rào cản trong thực tiễn thực hiện quyền tham chính của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao khả năng thực hiện quyền tham chính của phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong thời gian tới.
 

Từ khóa: 
Công ước CEDAW
phụ nữ dân tộc thiểu số
quyền con người
quyền tham chính
quyền của phụ nữ
Tài liệu tham khảo: 

[1] (1). Nghiên cứu này được thực hiện trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện pháp luật đáp ứng các khuyến nghị của Liên Hợp quốc đối với việc thực hiện Công ước ICCPR tại Việt Nam”, Đề tài khoa học cấp Bộ, Bộ Tư pháp, 2020

[2] (2). Human Rights Committee (HRC), CCPR General Comment No. 25: Article 25 (Participation in Public Affairs and the Right to Vote), The Right to Participate in Public Affairs, Voting Rights and the Right of Equal Access to Public Service, 12 July 1996, CCPR/C/21/ Rev.1/Add.7, https://www.refworld.org/docid/453883fc22.html, truy cập 08/8/2020.

[3] (3). Committee on the Elimination of Discrimination Against Women (CEDAW), CEDAW General Recommendation. Recommendation No. 23: Political and Public Life, 1997, A/52/38, https://www.refworld.org/docid/453882a622.html, truy cập 08/8/2020.

Nội dung: 

Quyền của người dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những quyền cơ bản của con người, được ghi nhận và bảo vệ bởi pháp luật quốc tế và pháp luật của các quốc gia. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ rõ tính dễ bị tổn thương do người DTTS thường là cá nhân, nhóm, cộng đồng người gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận quyền. Những hạn chế về địa bàn, điều kiện sinh sống, nhận thức, ngôn ngữ... khiến họ thường có vị thế thấp hơn các nhóm khác về kinh tế, xã hội, văn hóa hay chính trị. Họ trở thành nhóm người dễ bị tổn thương hơn so với nhóm người dân tộc chiếm đa số trong một quốc gia. Bởi vậy, họ có nguy cơ cao hơn bị “bỏ quên” hay bị vi phạm các quyền con người nên cần được chú ý bảo vệ đặc biệt hơn bằng những bảo đảm pháp lí (legal guarantees) cụ thể và đặc thù.
 Nếu như phụ nữ nói chung phải chịu sự bất bình đẳng xuất phát từ đặc thù về giới thì phụ nữ người DTTS còn phải chịu sự thiệt thòi “kép” đến từ cả góc độ giới và góc độ dân tộc. Ngoài những khó khăn khi thụ hưởng quyền từ góc độ giới, phụ nữ dân tộc thiểu số (PNDTTS) còn gặp phải những rào cản để tiếp cận quyền bởi những đặc điểm riêng về ngôn ngữ (tiếng nói và chữ viết), bản sắc văn hoá, phong tục tập quán của dân tộc mình... Đặc biệt, PNDTTS hầu như không nhận thức được về các quyền con người của mình xuất phát từ sự thiếu hụt kiến thức và năng lực tiếp cận truyền thông.
Quyền tham chính có thể hiểu là quyền tham gia vào các hoạt động khác nhau của đời sống chính trị như: quyền bầu cử, ứng cử, quyền tham gia vào các cơ quan, tổ chức nhà nước… Quyền tham chính là một trong các quyền dân sự, chính trị cơ bản của con người và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy dân chủ, pháp quyền, phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững. Quyền này gắn bó chặt chẽ với các quyền con người khác như nhánh quyền dân sự, chính trị mà tiêu biểu là quyền lập hội và hội họp hòa bình, quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến, quyền đối với giáo dục và quyền tiếp cận thông tin... Cùng với đó, biểu hiện của quyền tham chính cũng vô cùng đa dạng, đơn cử như việc tham gia một cách trực tiếp hay gián tiếp trong việc thực hiện quyền lực chính trị (bao gồm cả ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp); tham gia quản lí hành chính, xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách cho quốc gia từ trung ương đến địa phương; bầu cử, ứng cử, tiếp xúc với các chính trị gia, các nhà chức trách, tranh luận, chất vấn, bày tỏ quan điểm chính trị của mình đối với các vấn đề của quốc gia...

Bài viết cùng số