HỘI NGHỊ CỘNG TÁC VIÊN TẠP CHÍ LUẬT HỌC NĂM 2018

21/06/2018

Nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp ý kiến hướng tới mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tạp chí Luật học và tăng cường hội nhập quốc tế, thiết thựckỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2018), sáng 19/6/2018, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội nghị Cộng tác viên Tạp chí Luật học năm 2018.

Đến tham dự Hội nghị có đại diện Tạp chí Dân chủ và pháp luật, Tạp chí Nghề luật, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Tạp chí Kiểm sát, Tạp chí Pháp luật và Phát triển và các chuyên gia, nhà khoa học là thành viên của Hội đồng biên tập, cộng tác viên phản biện, cộng tác viên viết bài cho Tạp chí Luật học đến từ các cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu, các tạp chí khoa học… Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội, tham dự Hội nghị có TS. Trần Quang Huy – Phó Hiệu trưởng, Phụ trách Trường; TS. Chu Mạnh Hùng – Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Trương Quang Vinh – Tổng biên tập Tạp chí Luật học; các đồng chí đại diện lãnh đạo các khoa chuyên môn, các phòng ban và cán bộ, giảng viên – đồng thời cũng là thành viên Hội đồng biên tập, các cộng tác viên lâu năm của Tạp chí. Đặc biệt, Hội nghị cũng được đón tiếp GS.TS. Nguyễn Ngọc Hoà – Nguyên Phó Hiệu trưởng, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Luật học; GS.TS. Lê Thị Sơn – nguyên Phó Hiệu trưởng, nguyên Tổng thư ký Tạp chí Luật học.

    Mở đầu Hội nghị, TS. Trần Quang Huy đã thay mặt lãnh đạo Nhà trường tặng hoa chúc mừng Tạp chí Luật học nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam; PGS.TS. Trương Quang Vinh thay mặt Tạp chí Luật học tặng hoa tri ân GS.TS. Nguyễn Ngọc Hoà và GS.TS. Lê Thị Sơn – những người đã đóng góp không nhỏ vào quá trình xây dựng và phát triển của Tạp chí.

Nhằm cung cấp cho Hội nghị thông tin về tình hình hoạt động của Tạp chí Luật học, PGS.TS. Trương Quang Vinh đã trình bày Báo cáo tình hình hoạt động của Tạp chí. Báo cáo cho biết, trải qua 24 năm từ khi thành lập đến nay, Tạp chí Luật học luôn giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp đào tạo của Nhà trường, là diễn đàn để chính thức công bố và truyền thông kết quả nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu trong cũng như ngoài Trường. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, với các thế hệ lãnh đạo, biên tập viên, chuyên viên tận tụy, sáng tạo, đặc biệt với sự cộng tác của các cộng tác viên là các nhà khoa học uy tín, giàu kinh nghiệm, nhiệt tình, Tạp chí Luật học của Trường Đại học Luật Hà Nội đã có gần 2.487 bài báo đăng trên hơn 236 số thường kỳ và đặc san. Những năm gần đây, Nhà trường và Tạp chí đã đã tạo mọi điều kiện, thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng của tạp chí như tăng số lượng phản biện, mời phản biện là các chuyên gia, nhà khoa học ngoài Trường; thực hiện nghiêm túc quy trình phản biện kín hai chiều; mở rộng quảng bá Tạp chí bằng việc xây dựng Tạp chí Luật học điện tử, tham gia Tạp chí Khoa học Việt Nam trực tuyến; xây dựng tạp chí theo tiêu chuẩn quốc tế, đăng tóm tắt, từ khoá bằng tiếng Anh…

  Phát biểu tham luận tại Hội nghị, đa số các đại biểu đều nhất trí cho rằng, Tạp chí Luật học là một trong số những tạp chí hàng đầu, luôn khẳng định được uy tín, thương hiệu trong giới nghiên cứu luật học bởi các bài viết có chất lượng của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đầu ngành, bởi sự nghiêm túc, chuyên nghiệp, khoa học của đội ngũ phản biện, biên tập viên, chuyên viên của Tạp chí. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, chất lượng các bài viết đăng trên Tạp chí Luật học còn chưa đồng đều, tính tranh luận về học thuật, tính thực tiễn còn hạn chế; còn ít các bài nghiên cứu về mảng đào tạo, phương pháp đào tạo… Bên cạnh đó, hoạt động nghiệp vụ của Tạp chí cũng chưa thực sự chuyên nghiệp, vẫn còn tình trạng phản biện chậm, ra số muộn so với kỳ hạn…

  Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều thống nhất, với tôn chỉ là đảm bảo chất lượng và uy tín khoa học, Tạp chí cần phải kiện toàn, củng cố Hội đồng biên tập; xây dựng được đội ngũ cộng tác viên phản biện mạnh; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ biên tập viên, chuyên viên vững về chuyên môn, nghiệp vụ; các hoạt động của Tạp chí cần phải được chuyên môn hoá, hiện đại hoá theo hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; từng bước tiếp cận các chuẩn quốc tế của một tạp chí khoa học.

Phát biểu Bế mạc Hội nghị, Phó Hiệu trưởng Chu Mạnh Hùng thay mặt lãnh đạo Trường Đại học Luật Hà Nội và Tạp chí Luật học cảm ơn sự có mặt và các ý kiến góp ý sôi nổi, nhiệt tình, có trọng tâm của các đại biểu tham dự. Phó Hiệu trưởng khẳng định: Trường Đại học Luật Hà Nội và Tạp chí Luật học sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý để có những biện pháp thiết thực, hiệu quả nâng cao chất lượng Tạp chí Luật học. Phó Hiệu trưởng mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, cộng tác,đặc biệt là ý kiến đóng góp, tư vấn của các chuyên gia, nhà khoa học, những cộng tác viên đã và đang tham gia phản biện, tham gia viết bài cho Tạp chí… để tiếp tục xây dựng và phát triển Tạp chí Luật học trong giai đoạn mới./.

                                                                                       Hoàng Lan

Tin liên quan