Test PM IV 06

Test PM IV 06

Nguyễn Thanh Hằng nth.aurora@gmail.com Đại học Luật Hà Nội
Đại học Luật Hà Nội hoaquynhhoang.hlu@gmail.com Đại học Luật Hà Nội
Tóm tắt: 
Trong suốt 79 năm tồn tại và phát triển (từ năm 1945), Liên hợp quốc đã có những đóng góp quan trọng trong việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Riêng đối với lĩnh vực quyền con người, Liên hợp quốc đã có những dấu ấn nổi bật khi không ngừng nỗ lực xây dựng và hoàn thiện các công cụ quốc tế cũng như các thiết chế nhằm đảm bảo quyền con người trên phạm vi toàn cầu. Nhằm làm rõ hơn vai trò của Liên hợp quốc trong lĩnh vực này, bài viết phân tích vai trò của Liên hợp quốc trong xây dựng và phát triển các tiêu chuẩn chung về quyền con người; xây dựng cơ chế giám sát thực hiện nghĩa vụ của các quốc gia thành viên;thiết lập các cơ chế truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể vi phạm quyền con người; thực hiện các hoạt động hợp tác và hỗ trợ các quốc gia thành viên thực hiện nghĩa vụ bảo đảm và thúc đẩy quyền con người.
Từ khóa: 
Liên hợp quốc
quyền con người
Bộ luật Nhân quyền Quốc tế
thiết chế giám sát
Tài liệu tham khảo: 

[1] 1. Report of the human rights inquiry commission established pursuant to Commission resolution S-5/1 of 19 October 2000 (E/CN.4/2001/121), para. 122.

[2] 2. Department of Foreign Affairs and Trade, The Human Rights Manual (fourth edition), https://www.dfat.gov.au/sites/default/files/human-rights-manual-fourth-e..., truy cập ngày 5/10/2023.

[3] 3. Human Rights Council, Universal Periodic Review, https://www.ohchr.org/en/hr-bodies/upr/upr-home, truy cập 02/11/2023.

[4] 4. Human Rights Council, Human Rights Council Complaint Procedure, https://www.ohchr.org/en/hr-bodies/hrc/complaint-procedure/hrc-complaint..., truy cwww.ohchr.org/

[5] 5. Human Rights Committee (HRC), General Comment No. 18 - Non-discrimination, https://tbinternet.ohchr.org/_layouts/15/treatybodyexternal/TBSearch.asp..., truy cập 22/11/2023.

[6] 6. International Court of Justice (1996), Reports of judgements, advisory opinions and orders - Legality or Threat of Use of Nuclear Weapons, Advisory Opinion of 8 July 1996, https://www.icj-cij.org/sites/default/files/case-related/95/095-19960708..., truy cập ngày 1/11/2023.

[7] 7. Inter-American Commission on Human Rights, Report No.55/97, Case No.11.137: Argentina, OEA/Ser/L/V/II.98, Doc.38, December 6 rev,1997, para. 183.

[8] 8. Morten Kjaerum, From International Law to Local Communities: The Role of the United Nations in the Realization of Human Rights, https://www.un.org/en/chronicle/article/international-law-local-communit..., truy cập ngày 29/11/2023.

[9] 9. Nguyễn Thị Kim Ngân & Nguyễn Thị Hồng Yến (2024, Đồng chủ biên), Pháp luật và thực tiễn thực thi khuyến nghị của các thiết chế quốc tế về các quyền dân sự, chính trị tại Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật.

[10] 10. OHCHR, International Bill of Human Rights, https://www.ohchr.org/en/what-are-human-rights/international-bill-human-..., truy cập ngày 15/11/2023.

[11] 11. OHCHR, International Human Rights Law, https://www.ohchr.org/en/instruments-and-mechanisms/international-human-..., truy cập ngày 15/11/2023.

[12] 12. OHCHR, Status of Ratification Interative Dashboard, https://indicators.ohchr.org, truy cập 29/11/2023.

[13] 13. OHCHR, Technical Cooperation in the field of human rights, https://www.ohchr.org/en/countries/technical-cooperation, truy cập 28/11/2023.

[14] 14. OHCHR, Guidelines and tools for treaty body reporting, https://www.ohchr.org/en/treaty-bodies/guidelines-and-tools-treaty-body-..., truy cập ngày 18/2/2024

[15] 15. UN Secretary-General, COMPILATION OF GUIDELINES ON THE FORM AND CONTENT OF REPORTS TO BE SUBMITTED BY STATES PARTIES TO THE INTERNATIONAL HUMAN RIGHTS TREATIES, HRI/GEN/2/Rev.6 3 June 2009, https://documents.un.org/doc/undoc/gen/g09/428/29/pdf/g0942829.pdf?token..., truy cập ngày 18/2/2024

[16] 16. OHCHR, Human rights indicators, https://www.ohchr.org/en/instruments-and-mechanisms/human-rights-indicators, truy cập ngày 18/2/2024

[17] 17. Phạm Hồng Hạnh (2021), “Vai trò của Liên hợp quốc trong đảm bảo thực thi các quy định của luật nhân đạo quốc tế về bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 4/2021.

[18] 18. Security Coucil (1994), S/1994/1125, Preliminary report of the Independent Commission of Experts established in accordance with Security Council resolution 935 (1994) (S/1994/1125)

[19] https://www.securitycouncilreport.org/atf/cf/%7B65BFCF9B-6D27-4E9C-8CD3-..., truy cập ngày 5/11/2023.

[20] 19. United Nations, Thematic Mandates, https://spinternet.ohchr.org/ViewAllCountryMandates.aspx?Type=TM, truy cập 02/11/2023.

Nội dung: 
VAI TRÒ CỦA LIÊN HỢP QUỐC TRONG BẢO ĐẢM, THÚC ĐẨY VÀ PHÁT TRIỂN CÁC QUYỀN CƠ BẢN CỦA CON NGƯỜI Tóm tắt: Trong suốt 79 năm tồn tại và phát triển (từ năm 1945), Liên hợp quốc đã có những đóng góp quan trọng trong việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Riêng đối với lĩnh vực quyền con người, Liên hợp quốc đã có những dấu ấn nổi bật khi không ngừng nỗ lực xây dựng và hoàn thiện các công cụ quốc tế cũng như các thiết chế nhằm đảm bảo quyền con người trên phạm vi toàn cầu. Nhằm làm rõ hơn vai trò của Liên hợp quốc trong lĩnh vực này, bài viết phân tích vai trò của Liên hợp quốc trong xây dựng và phát triển các tiêu chuẩn chung về quyền con người; xây dựng cơ chế giám sát thực hiện nghĩa vụ của các quốc gia thành viên;thiết lập các cơ chế truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể vi phạm quyền con người; thực hiện các hoạt động hợp tác và hỗ trợ các quốc gia thành viên thực hiện nghĩa vụ bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Từ khoá: Liên hợp quốc; quyền con người; Bộ luật Nhân quyền Quốc tế; thiết chế giám sát THE ROLE OF THE UNITED NATIONS IN ENSURING, PROMOTING AND DEVELOPING FUNDAMENTAL HUMAN RIGHTS Abstract: During its 79 years of existence and development (since 1945), the United Nations (UN) has contributed significantly to maintaining international peace and security. In the human rights field, particularly, the UN has made outstanding marks with its constant efforts in building international tools and institutions to ensure human rights on a global scale. To clarify the UN's role in this regard, the following article will look at some of the UN's specific responsibilities in developing legal standards on human rights, establishing a mechanism for supervising member states’ implementation of obligations, putting in place legal procedures for those who violate human rights, and conducting joint initiatives to support member states in fulfilling their duties. Keywords: United Nations; human rights; International Bill of Human Rights; monitoring mechanism 1. Đặt vấn đề Quyền con người là tiếng nói chung của toàn nhân loại để bảo vệ và thúc đẩy nhân phẩm của tất cả mọi người. Đó là những giá trị kết tinh từ trong lịch sử thông qua các nền văn hóa của các dân tộc khác nhau trên thế giới . Sự ra đời của Liên hợp quốc vào năm 1945 phần nào cho thấy khát vọng của các quốc gia trong việc xây dựng một diễn đàn nơi “duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” được coi là mục đích cao nhất. Vì vậy, Lời nói đầu của Hiến chương Liên hợp quốc khẳng định sự tin tưởng của tổ chức này vào “các quyền cơ bản của con người, vào nhân phẩm và giá trị của con người, vào quyền bình đẳng giữa nam và nữ và giữa các quốc gia lớn và nhỏ” , đồng thời xác định một trong những mục đích hoạt động là “để đạt được sự hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa hoặc nhân đạo, đồng thời thúc đẩy và khuyến khích sự tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ, hoặc tôn giáo (…)”. Với những lý tưởng và mục tiêu đó, Liên hợp quốc và các tổ chức thành viên trong hơn 70 năm hình thành và phát triển đã hoàn thiện các thể chế và khuôn khổ pháp lý cho việc duy trì an hoà bình và an ninh nói chung, bảo đảm các quyền cơ bản của con người trên toàn thế giới nói riêng. Mặc dù còn những khó khăn, thách thức nhất định trong thúc đẩy các quyền con người trên phạm vi toàn cầu nhưng vai trò và những nỗ lực mà Liên hợp quốc đã thực hiện là không thể phủ nhận. Nhằm làm sâu sắc hơn nữa vai trò chính của Liên hợp quốc trong đảm bảo, thúc đẩy và phát triển các tiêu chuẩn quyền con người cơ bản, bài viết tập trung phân tích vai trò của Liên hợp quốc trong: 1) xây dựng và phát triển các tiêu chuẩn quyền con người; 2) xây dựng cơ chế giám sát thực hiện nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong bảo đảm quyền con người; 3) thiếp lập các cơ chế truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể vi phạm quyền con người; và 4) thực hiện các hoạt động hợp tác và hỗ trợ quốc gia thực hiện nghĩa vụ bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Thông qua các phân tích và đánh giá, bài viết cung cấp những hiểu biết cơ bản về vai trò của Liên hợp quốc trong đảm bảo, thúc đẩy các quyền cơ bản của con người, từ đó xác định được rõ ràng hơn vị trí của tổ chức này cũng như những nỗ lực, thách thức mà Liên hợp quốc đã và đang phải đối mặt trong quá trình thực hiện mục tiêu duy trì hoà bình và an ninh quốc tế của mình. Những nghiên cứu bước đầu trong bài viết có thể tiếp tục được bàn luận, phát triển thêm và là cơ sở cho những nghiên cứu cụ thể và chuyên sâu hơn sau này về vai trò của Liên hợp quốc trong lĩnh vực quyền con người. 2. Vai trò của Liên hợp quốc trong xây dựng và phát triển các tiêu chuẩn chung về quyền con người Xây dựng Bộ luật quốc tế về quyền con người Có thể nói rằng, với 18 công cụ pháp lý và rất nhiều bình luận chung, các tuyên bố, chương trình hành động đã được thông qua, thông qua những nỗ lực tập trung và tích cực của mình, Liên hợp quốc đã thiết lập một bộ quy tắc quyền con người cơ bản, đóng vai trò là những hướng dẫn rộng rãi cho việc xây dựng luật quyền con người ở nhiều quốc gia, khu vực và trên thế giới nói chung. Thành tựu lớn nhất của Liên hợp quốc trong bảo đảm, thúc đẩy quyền con người là nỗ lực cho ra đời Bộ luật quốc tế về quyền con người (International Bill of Human rights) với bộ ba văn kiện nòng cốt là Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (UDHR), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá năm 1966 (ICESCR). Việc UDHR được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào ngày 10/12/1948 đã khẳng định sự nhất quán và ý chí mạnh mẽ của các quốc gia trong thiết lập các tiêu chuẩn chung về quyền cơ bản của con người trên toàn thế giới. UDHR có ý nghĩa rất quan trọng và được xem là một trong những thành tựu lớn nhất, một văn kiện lịch sử đặt nền móng cho quá trình xây dựng và phát triển luật quốc tế về quyền con người của Liên hợp quốc . Mặc dù không phải là một điều ước quốc tế đúng nghĩa, tuy nhiên, theo thời gian, UDHR đã được chấp nhận rộng rãi như những chuẩn mực cơ bản về quyền con người mà mọi người nên tôn trọng và bảo vệ , đồng thời trở thành cơ sở quan trọng cho việc hình thành các điều ước quốc tế về quyền con người sau này. Nhằm cụ thể hoá các quyền con người trong UDHR, Liên hợp quốc tiếp tục xây dựng hai văn kiện pháp lý quan trọng là ICCPR và ICESCR vào năm 1966. Đúng như tên gọi của mình, hai công ước này đã ghi nhận hầu hết các quyền cơ bản của con người trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá như quyền sống; quyền bình đẳng không phân biệt đối xử; quyền không bị tra tấn, đối xử tàn bạo vô nhân đạo hay hạ nhục; quyền được bảo vệ không bị bắt làm nô lệ hay nô dịch; quyền được bảo vệ khỏi bị bắt, giam giữ tùy tiện; quyền được xét xử công bằng; quyền được bảo vệ bí mật đời tư; quyền tự do đi lại và cư trú; quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo; quyền làm việc; quyền giáo dục; quyền tham gia vào đời sống văn hoá; quyền sức khoẻ… Điều quan trọng là cả ba văn kiện và những điều ước sau này về quyền con người của Liên hợp quốc đều nhấn mạnh và khẳng định rõ rằng, bình đẳng và không phân biệt đối xử luôn là nguyên tắc nền tảng và là trung tâm của tất cả các công cụ pháp lý về quyền con người của Liên hợp quốc. Điều đó có nghĩa là, các quyền con người là dành cho tất cả mọi người, và thuật ngữ "không phân biệt đối xử" nên được hiểu là không “bao hàm bất kỳ sự phân biệt, loại trừ, hạn chế hoặc ưu đãi nào dựa trên bất kỳ cơ sở nào như chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc quốc gia hoặc xã hội, tài sản, dòng dõi hoặc địa vị khác và có mục đích hoặc tác động vô hiệu hóa hoặc làm phương hại đến sự công nhận, hưởng thụ hoặc thực hiện của tất cả mọi người trên cơ sở bình đẳng tất cả các quyền và tự do” . Bên cạnh đó, để đảm bảo và thúc đẩy các quyền con người cụ thể đã được ghi nhận, các điều ước này cũng xác định các quốc gia cần có trách nhiệm tôn trọng , bảo vệ và thực thi các quyền này một cách tận tâm, thiện chí theo đúng tinh thần của nguyên tắc Pacta sunt servanda đã được quy định trong Công ước Viên 1969 về Luật điều ước quốc tế được ký kết giữa các quốc gia năm 1966 cũng như trong Tuyên bố 2625 “Về các nguyên tắc của luật pháp quốc tế liên quan đến quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia” của Liên hợp quốc . Bằng việc phê chuẩn các điều ước quốc tế về quyền con người, các Chính phủ cam kết áp dụng các biện pháp phù hợp và luật pháp trong nước để thực thi các nghĩa vụ đặt ra trong các điều ước quốc tế mà họ là thành viên. Khi các thủ tục tố tụng trong nước không giải quyết được các vi phạm quyền con người, các cơ chế và thủ tục giải quyết khiếu nại hoặc liên lạc cá nhân đều sẵn có ở cấp khu vực và quốc tế nhằm giúp đảm bảo rằng các tiêu chuẩn quyền con người thực sự được tôn trọng, thực hiện và thi hành. Với ý nghĩa và tính toàn diện của mình, trong hơn 50 năm tồn tại, ICCPR và ICSECR đã chứng minh tầm quan trọng của mình trong việc tăng cường bảo vệ quyền con người trên toàn cầu và đã thu hút sự tham gia của nhiều quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Đây cũng là hai trong số những công ước có sự tham gia của phần lớn các quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Điều này cho thấy sự coi trọng cũng như mức độ phổ quát của hai công ước đối với các quốc gia nói chung, thành viên của Liên hợp quốc nói riêng. Hoàn thiện các điều ước quốc tế chuyên biệt khác về quyền con người Ngay sau khi thông qua ICCPR và ICESCR, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan chuyên môn, Đại hội đồng đã lần lượt thông qua các văn kiện pháp lý chuyên biệt nhằm đảm bảo các quyền con người, đặc biệt là quyền của các nhóm dễ bị tổn thương như: Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ 1979; Công ước về quyền của người khuyết tật 2006; Công ước về quyền trẻ em 1989; Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác 1984; Công ước về bảo vệ quyền của người lao động di trú và các thành viên trong gia đình họ 1990; Nghị định thư tùy chọn bổ sung cho Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966… cùng với UDHR, ICCPR và ICESCR, sự ra đời của những công ước này đã góp phần hoàn thiện hệ thống các văn kiện pháp lý quốc tế cốt lõi của Liên hợp quốc về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Tương tự như các văn kiện trước đó, bên cạnh việc tiếp tục khẳng định những quyền cơ bản của các nhóm, các công ước này cũng xác định các nghĩa vụ của quốc gia trong thực thi các cam kết của mình, đồng thời thiết lập thiết chế giám sát thực thi công ước mang tên Uỷ ban Công ước nhằm rà soát tiến trình thực thi nghĩa vụ của các quốc gia thành viên. Kể từ khi thành lập đến nay, hoạt động của các Uỷ ban là rất quan trọng và “có tác động trực tiếp trên toàn thế giới, dẫn đến những thay đổi trong luật pháp, chính sách và thực tiễn quốc gia, cũng như mang lại sự đền bù cho từng nạn nhân. Tất cả các quốc gia đều là thành viên của ít nhất một trong những điều ước quốc tế cốt lõi này, và hơn 75% các quốc gia là thành viên của bốn công ước trở lên, bao gồm cả ICCPR và ICESCR”. Sơ đồ 1: Tình trạng phê chuẩn 18 công cụ pháp lý về quyền con người của Liên hợp quốc Trên cơ sở các công ước của Liên hợp quốc, ở cấp độ khu vực, nhiều điều ước quốc tế về quyền con người cũng đã được xây dựng, góp phần hoàn thiện thêm hệ thống các công cụ pháp lý quốc tế bảo đảm quyền con người trên toàn cầu. 3. Vai trò của Liên hợp quốc trong xây dựng cơ chế giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong bảo đảm và thúc đẩy quyền con người Ở cấp độ toàn cầu, hiện nay có hai cơ chế giám sát việc đảm bảo, tôn trọng quyền con người bao gồm cơ chế dựa trên Hiến chương và cơ chế dựa trên điều ước. Đối với cơ chế dựa trên Hiến chương, việc giám sát việc thực hiện nghĩa vụ bảo đảm quyền con người của các quốc gia thành viên được thực hiện thông qua hoạt động của các cơ quan chính của Liên hợp quốc và các cơ quan chuyên môn do cơ quan chính thành lập. Cụ thể: Đại hội đồng Đại hội đồng có thẩm quyền xem xét và đưa ra quyết định đối với những kiến nghị của Hội đồng kinh tế và xã hội liên quan đến những vi phạm quyền con người (khoản 2 Điều 13, khoản 1, 2 Điều 62 Hiến chương Liên hợp quốc); thành lập các uỷ ban điều tra những vi phạm luật quyền con người/ luật nhân đạo quốc tế và đưa ra quyết định trong trường hợp có hành vi vi phạm trên cơ sở xem xét báo cáo của những uỷ ban này. Kết quả làm việc cuối cùng của các uỷ ban/phái đoàn là các báo cáo, trong đó, nội dung quan trọng nhất là những kết luận về các cáo buộc vi phạm luật nhân đạo quốc tế và/hoặc quyền con người và những khuyến nghị. Nội dung những khuyến nghị này thường bao gồm những ý kiến như: chấm dứt và ngừng ngay lập tức các hành vi vi phạm (ví dụ như khuyến nghị của Uỷ ban điều tra về vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng có nội dung thực hiện những biện pháp ngay lập tức và hiệu quả để ngăn chặn việc phá hủy tài sản ở các vùng bị chiếm đóng, bao gồm phá hủy nhà cửa, chặt phá cây cối, phá hủy các trang trại và cây trồng ), điều tra, khởi tố và truy cứu trách nhiệm những chủ thể vi phạm (ví dụ như khuyến nghị của Uỷ ban điều tra tại Rwanda năm 1994 có nội dung “mở rộng thẩm quyền tài phán của Tòa hình sự quốc tế tại Nam Tư cũ đối với những tội ác quốc tế tại Rwanda” , khuyến nghị của Uỷ ban điều tra về Darfur (2004) với nội dung khuyến nghị Hội đồng bảo an đưa trường hợp tại nước này ra trước Toà hình sự quốc tế (ICC) hay khuyến nghị của Phái đoàn về Palestinian với nội dung “các quốc gia thành viên của Công ước Geneva năm 1949 nên bắt đầu tiến hành các cuộc điều tra hình sự tại toà án quốc gia, sử dụng thẩm quyền tài phán phổ cập khi có đủ bằng chứng chứng minh có hành vi vi phạm nghiêm trọng Công ước” ), bồi thường (ví dụ như trường hợp báo cáo về Libya (2011) với một khuyến nghị liên quan đến những thường dân bị bạo lực tình dục với nội dung “thiết lập những hoạt động hỗ trợ về giới, y tế, pháp lý, xã hội; tuyển dụng và đào tạo các nữ điều tra viên; khuyến khích và hỗ trợ thành lập các tổ chức xã hội dân sự để hỗ trợ cho các nạn nhân bị bạo lực tình dục” hoặc khuyến nghị thành lập các cơ chế bồi thường quốc tế như trường hợp của Darfur, Uỷ ban điều tra tại nước này đã kêu gọi Hội đồng bảo an thành lập một uỷ ban bồi thường quốc tế ), các ý kiến khác như cải cách thể chế; đưa vấn đề ra trước Hội đồng bảo an… Hội đồng Bảo an Mặc dù Hiến chương không trao bất kỳ quyền hạn rõ ràng nào cho Hội đồng Bảo an (HĐBA) trong việc bảo vệ quyền con người nhưng chức năng “duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” của cơ quan này theo chương VII được coi là đủ rộng để bao hàm cả vai trò của HĐBA trong các vấn đề về quyền con người và nhân đạo. Tuy nhiên, xuất phát từ chức năng trên, vai trò của HĐBA trong bảo vệ quyền con người chỉ gắn với những trường hợp mà sự vi phạm quyền con người được coi là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Theo đó, trong giám sát việc tuân thủ nghĩa vụ bảo vệ quyền con người của các quốc gia thành viên, vai trò của HĐBA được thể hiện trên các phương diện: thành lập các uỷ ban điều tra những vi phạm luật quyền con người/ luật nhân đạo quốc tế và đưa ra quyết định trong trường hợp có hành vi vi phạm trên cơ sở xem xét báo cáo của những uỷ ban này ; thiết lập các cơ chế báo cáo và giám sát vi phạm nghiêm trọng quyền con người đối với một số nhóm dễ bị tổn thương và xem xét báo cáo, đưa ra quyết định trong trường hợp có vi phạm (ví dụ như Cơ chế báo cáo và giám sát vi phạm nghiêm trọng đối với trẻ em trong xung đột vũ trang ở trên thực địa để thu thập và cung cấp thông tin kịp thời, khách quan, chính xác và đáng tin cậy từ hiện trường về những vi phạm nghiêm trọng đối với trẻ em , Cơ chế giám sát, phân tích và báo cáo về bảo vệ phụ nữ và chống lại các hành vi cưỡng bức tình dục phụ nữ trong xung đột vũ trang d), xem xét báo cáo của các phái bộ gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc có liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, cụ thể là bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang về các mối đe dọa đối với dân thường và các vi phạm luật nhân đạo cũng như vi phạm hoặc lạm dụng các quyền con người . Hội đồng kinh tế - xã hội Theo quy định tại Điều 62 Hiến chương, Hội đồng kinh tế xã hội (ECOSOC) có quyền tiến hành các cuộc điều tra và báo cáo về việc tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người của các quốc gia thành viên. Để thực hiện thẩm quyền trong bảo vệ quyền con người, trên cơ sở Điều 68 của Hiến chương, đến nay ECOSOC đã thành lập hai uỷ ban chức năng, một là Uỷ ban quyền con người (CHR), hai là Uỷ ban về vị thế của phụ nữ, trong đó Uỷ ban quyền con người đã chấm dứt hoạt động và được thay thế bằng Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc từ năm 2006. Uỷ ban về vị thế của phụ nữ (CSW) được thành lập theo nghị quyết 11 (II) ngày 21/6/1946 của ECOSOC với chức năng chính là đệ trình các khuyến nghị và báo cáo tới ECOSOC về việc thúc đẩy quyền của phụ nữ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, dân sự, xã hội và giáo dục và đưa ra khuyến nghị cho ECOSOC về các vấn đề liên quan đến quyền phụ nữ cần chú ý ngay lập tức nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, trong đó, bao gồm cả việc giám sát và xem xét tiến độ cũng như các vấn đề trong việc thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh cũng như trong việc lồng ghép quan điểm về giới trong hoạt động của LHQ (Đoạn 20 Nghị quyết 1996/6). Tổng thư ký Liên hợp quốc và Cao uỷ Liên hợp quốc về quyền con người Để giám sát việc thực hiện các nghĩa vụ về quyền con người, Tổng thư ký LHQ và Cao uỷ Liên hợp quốc về quyền con người có thể thành lập các Uỷ ban điều tra những vi phạm luật quyền con người/luật nhân đạo quốc tế và đưa ra quyết định trong trường hợp có hành vi vi phạm trên cơ sở xem xét báo cáo của những uỷ ban này. Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) được thành lập theo Nghị quyết số 60/251 ngày 3/4/2006 của Đại hội đồng để thay thế cho Uỷ ban quyền con người. Trong giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong bảo vệ quyền con người, UNHRC có những thẩm quyền sau: Một là, xem xét báo cáo của các quốc gia thành viên về việc tôn trọng và đảm bảo quyền con người theo cơ chế kiểm điểm định kỳ (UPR). Được thiết lập theo Nghị quyết 60/251 năm 2006 của Đại hội đồng, hiện nay, UPR là cơ chế toàn cầu đầu tiên và duy nhất để đánh giá thường xuyên việc thực hiện các nghĩa vụ và cam kết của quốc gia về quyền con người theo quy định tại Hiến chương, UDHR, ICCPR, ICESCR và các công ước khác trong lĩnh vực quyền con người mà quốc gia là thành viên; các cam kết do quốc gia đưa ra như các chính sách, chương trình quốc gia về quyền con người và các quy định của luật nhân đạo quốc tế có liên quan nhằm thúc đẩy, hỗ trợ và bảo vệ quyền con người ở mọi quốc gia. Kể từ lần rà soát định kỳ đầu tiên vào năm 2008, tất cả 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã được rà soát ba lần và đang trong chu kỳ đánh giá thứ tư, bắt đầu từ tháng 11 năm 2022. Để đảm báo tính khách quan, toàn diện trong việc đánh giá, ngoài thông tin do chính quốc gia thành viên đệ trình trong Báo cáo quốc gia, UNHRC sẽ xem xét thông tin từ nhiều nguồn khác bao gồm các thông tin từ các báo cáo viên đặc biệt và các nhóm công tác, các uỷ ban công ước, các cơ quan khác của Liên hợp quốc, cơ quan quyền con người quốc gia và các tổ chức quốc tế phi chính phủ. Việc đánh giá được thực hiện bởi Nhóm công tác UPR bao gồm 47 thành viên của UNHRC và do Chủ tịch UNHRC chủ trì. Quá trình đánh giá được tiến hành dưới hình thức đối thoại tương tác giữa quốc gia thành viên đang được đánh giá với các quốc gia thành viên khác của Liên hợp quốc trong khuôn khổ cuộc họp của Nhóm công tác UPR. Các tổ chức phi chính phủ cũng có thể tham gia vào các cuộc họp này. Báo cáo của UNHRC đối với mỗi quốc gia sau khi kết thúc mỗi chu kỳ đánh giá bao gồm những nhận xét về các kết quả đạt được, hạn chế của quốc gia trong bảo vệ quyền con người kèm theo các khuyến nghị. Trong lần đánh giá theo chu kỳ tiếp theo, quốc gia sẽ phải báo cáo về tình hình thực hiện những khuyến nghị này và những kết quả mới trong việc bảo vệ quyền con người. Hai là, chỉ định các thủ tục đặc biệt để theo dõi tình hình bảo vệ quyền con người trong các lĩnh vực cụ thể hoặc tại các quốc gia cụ thể. Các thủ tục đặc biệt này bao gồm các báo cáo viên đặc biệt, các đại diện đặc biệt, các chuyên gia độc lập và các nhóm công tác kiểm tra và báo cáo về cả các vấn đề chuyên đề và tình hình quyền con người. Các thủ tục đặc biệt liên quan đến tất cả các quyền dân sự, chính trị cũng như quyền kinh tế, xã hội, văn hóa. Đến tháng 11/2023, các thủ tục đặc biệt đã được tiến hành tại 14 quốc gia, gồm Afghanistan, Belarus, Burundi, Cambodia, Cộng hoà Đông Phi, Triều Tiên, Eritrea, Iran, Mali, Myanmar, Palestin, Nga, Somali, và Syrian với 46 chuyên đề như quyền văn hoá, quyền phát triển, quyền của những người dễ bị tổn thương, quyền có lương thực… Thủ tục đặc biệt được thực hiện thông qua các chuyến thăm đến quốc gia (theo lời mời của quốc gia); nghiên cứu và tư vấn; vận động và nâng cao nhận thức cộng đồng và hợp tác kỹ thuật. Các báo cáo theo thủ tục đặc biệt phải được đệ trình hàng năm lên HRC và Đại hội đồng. Ba là, tiếp nhận và giải quyết khiếu nại về các vi phạm trắng trợn và được chứng thực một cách đáng tin cậy đối với tất cả các quyền con người và các quyền tự do cơ bản, xảy ra ở bất kỳ nơi nào trên thế giới và trong mọi trường hợp (nghị quyết 5/1 của Hội đồng Quyền con người ngày 18/6/2007). Khiếu nại có thể được đệ trình bởi các cá nhân, nhóm hoặc tổ chức phi chính phủ là nạn nhân của vi phạm quyền con người hoặc những người có trách nhiệm trực tiếp và kiến thức đáng tin cậy về vi phạm quyền con người. Sau khi xem xét khiếu nại, HRC có thể chỉ định một chuyên gia độc lập để theo dõi tình hình và báo cáo lại Hội đồng quyền con người. Bốn là, thành lập các Uỷ ban điều tra những vi phạm luật quyền con người/luật nhân đạo quốc tế và đưa ra quyết định trong trường hợp có hành vi vi phạm trên cơ sở xem xét báo cáo của những uỷ ban này. 4. Vai trò của Liên hợp quốc trong thiết lập các cơ chế truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể vi phạm quyền con người Theo quy định tại Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc, trong trường hợp có hành vi đe doạ hoà bình, phá hoại hoà bình hoặc hành vi xâm lược, HĐBA có quyền áp dụng các biện pháp trừng phạt phi vũ trang (Điều 41) cũng như các biện pháp vũ trang (Điều 42) để duy trì hòa bình và an ninh thế giới. Đối với những vi phạm quyền con người gắn với việc đe doạ đến hoà bình và an ninh thế giới, Hội đồng bảo an có thể viện dẫn Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc để áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác nhau tuỳ thuộc vào tình hình thực tế. Những biện pháp này về bản chất là những hình thức truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với các chủ thể có hành vi vi phạm quyền con người, đặc biệt trong bối cảnh xung đột vũ trang. Từ năm 1966 đến nay, HĐBA đã áp dụng các biện pháp trừng phạt phi vũ trang đối với 31 trường hợp với nhiều biện pháp khác nhau, từ các lệnh trừng phạt kinh tế và thương mại toàn diện đến các biện pháp cụ thể hơn như cấm vận vũ khí; cấm đi lại; đóng băng tài sản của các tổ chức, cá nhân vi phạm; hạn chế hoạt động xuất/nhập khẩu hàng hoá…, và một trong những cơ sở khi thông qua các biện pháp trừng phạt này là nhằm bảo vệ quyền con người. Việc vi phạm luật nhân đạo và luật nhân quyền quốc tế cũng như việc lạm dụng các quyền con người lần đầu tiên được xác định là căn cứ trừng phạt khi HĐBA thông qua Nghị quyết 1542 năm 2004 trừng phạt Côte d’Ivoire. Cụ thể, mục 9 Nghị quyết 1542 ghi nhận: “Quyết định rằng tất cả các quốc gia sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết, trong thời gian 12 tháng, để ngăn chặn việc nhập cảnh hoặc quá cảnh qua lãnh thổ của mình tất cả những người được Ủy ban chỉ định theo khoản 14 dưới đây, những người tạo thành mối đe dọa cho hòa bình và hòa giải dân tộc ở Côte d'Ivoire, đặc biệt là những người ngăn cản việc thực hiện các Hiệp định Linas-Marcoussis và Accra III, bất kỳ người nào khác được xác định là chịu trách nhiệm về những vi phạm nghiêm trọng về quyền con người và luật nhân đạo quốc tế ở Côte d'Ivoire trên cơ sở các thông tin liên quan, bất kỳ người nào kích động hận thù và bạo lực một cách công khai, và bất kỳ người nào khác được Ủy ban xác định là vi phạm các biện pháp quy định tại khoản 7 ở trên, với điều kiện là không có quy định nào trong khoản này buộc một Quốc gia phải từ chối cho công dân nhập cảnh vào lãnh thổ của mình”. Đến nay, đã có thêm nhiều trường hợp HĐBA áp dụng các biện pháp trừng phạt với quốc gia do vi phạm quyền con người như Sudan (Nghị quyết S/RES/1591 (2005) (mục 3 (c)); Cộng hòa Congo (Nghị quyết S/RES/1698 (2006) (mục 13); Libya (Nghị quyết S/RES/1970 (2011) (mục 22); Somalia (Nghị quyết S/RES/2002 (2011) (mục 1(e)); Cộng hòa Trung Phi (Nghị quyết S/RES/2127 (2013) (mục 56)); Yemen (Nghị quyết S/RES/2140 (2014) (mục 18)); Nam Sudan (Nghị quyết S/RES/2206 (2015) (mục 7)); Mali (Nghị quyết S/RES/2374 (2017) (mục 8))…. Những biện pháp trừng phạt phi vũ trang được áp dụng trong những trường hợp trên rất đa dạng, từ cấm đi lại ; đóng băng tài sản của các tổ chức, cá nhân vi phạm ; cấm vận vũ khí ; cho đến hạn chế chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ ... Cùng với các biện pháp trừng phạt phi vũ trang, HĐBA cũng có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt vũ trang trong trường hợp có những vi phạm nghiêm trọng quyền con người ảnh hưởng đến hoà bình và an ninh thế giới. Ví dụ điển hình có thể kể đến là trường hợp của Libya. HĐBA đã thông qua Nghị quyết số 1970 vào ngày 26/2/2011 buộc tội chính quyền Gaddafi đã sử dụng vũ lực trên diện rộng và có hệ thống đối với thường dân, yêu cầu chính quyền của quốc gia này cần chấm dứt ngay những hành động đó và áp dụng một số biện pháp cưỡng chế phi vũ trang bao gồm cấm vận vũ khí, cấm nhập cảnh quá cảnh và đóng băng tài sản đối với một số cá nhân. Tuy nhiên, trước tình hình không biến chuyển của chính quyền Libya, ngày 17/3/2011 HĐBA đã thông qua Nghị quyết số 1973, trong đó cho phép các quốc gia thành viên đã thông báo cho Tổng thư ký Liên hợp quốc tự mình hoặc thông qua các tổ chức khu vực hoặc các thoả thuận và hợp tác với Tổng thư ký thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ thường dân và các khu vực dân cư trước nguy cơ bị tấn công ở Libyan, bao gồm cả Benghazi nhưng loại trừ việc sử dụng bất kỳ lực lượng bên ngoài nào, dưới bất kỳ hình thức nào và trên bất kỳ phần lãnh thổ nào của Libya. Với cụm từ “tất cả các biện pháp cần thiết” - cụm từ thường được sử dụng khi cho phép sử dụng vũ lực - nội dung này của Nghị quyết 1973 đã được xem như một căn cứ cho việc sử dụng vũ lực của các quốc gia. Trên thực tế, một chiến dịch không kích đã được thực hiện ngay sau khi Nghị quyết 1973 được thông qua bởi một liên minh gồm các quốc gia phương Tây được sự ủng hộ của Qatar và Các tiểu vương quốc Ả Rập và sau đó là các cuộc không kích do NATO phối hợp tiến hành từ ngày 24/3/2011. Ngoài việc áp dụng các biện pháp trừng phạt như trên, HĐBA có thể thành lập các toà hình sự quốc tế để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân phạm tội ác quốc tế, bao gồm cả những hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền con người trong xung đột vũ trang. Đến nay, HĐBA đã thành lập hai toà hình sự quốc tế để xét xử các cá nhân có hành vi vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế. Một là toà hình sự quốc tế về Nam Tư cũ (ICTY) thành lập trên cơ sở Nghị quyết số 827 (1993) với thẩm quyền xét xử các cá nhân chịu trách nhiệm đối với những vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế trên lãnh thổ Nam Tư cũ ; hai là Tòa án hình sự quốc tế về Rwanda (ICTR) thành lập trên cơ sở Nghị quyết số 955 (1994) với thẩm quyền truy nã và trừng phạt các cá nhân có hành vi diệt chủng và các hành vi tội ác khác vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế được thực hiện trên lãnh thổ của Rwanda và các công dân Rwanda có hành vi diệt chủng và các hành vi tội ác quốc tế khác được thực hiện trên lãnh thổ của các nước láng giềng trong thời gian từ 1/1/1994 đến 31/12/1994. Để chống lại sự miễn trừng phạt và đưa ra công lý những người bị tòa án truy tố, năm 2010, HĐBA đã thành lập Cơ chế quốc tế còn lại của các Toà án hình sự (ICTY) để thực hiện một số chức năng thiết yếu sau khi ICTY và ICTR chấm dứt hoạt động như bắt giữ các cá nhân bị ICTR truy tố về tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh vẫn đang lẩn trốn; điều tra, xét xử và phúc thẩm đối với các trường hợp đưa ra lời khai sai trong quá trình tố tụng trước ICTR, ICTY hoặc Cơ chế này; xét xử lại các trường hợp đã được xét xử tại ICTR, ICTY . Mặc dù về câu chữ, việc thành lập những toà án này nhằm xét các cá nhân có hành vi vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế, nhưng xuất phát từ mối quan hệ giữa luật nhân đạo quốc tế và luật quyền con người quốc tế trong việc chia sẻ “các quyền không thể xâm phạm và mục đích chung là bảo vệ sự sống và nhân phẩm con người” , sự ra đời của những toà hình sự này cũng là một phương thức truy cứu trách nhiệm đối với các vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế và luật quyền con người quốc tế trong các xung đột vũ trang. Bên cạnh việc trực tiếp thành lập các toà án hình sự quốc tế, vai trò của HĐBA còn được thể hiện thông qua các hoạt động nhằm tạo cơ sở cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân phạm tội ác quốc tế. Cụ thể, theo quy định tại điểm (b) Điều 13 Quy chế Rome về Tòa hình sự quốc tế (ICC), Tòa có thể thực hiện thẩm quyền của mình đối với các tội phạm được quy định trong Quy chế nếu một tình huống mà dường như một hay nhiều tội phạm đã xảy ra được Hội đồng Bảo an thông báo cho Trưởng công tố viên theo thẩm quyền quy định tại Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc. Chẳng hạn, vào ngày 26/2/2011, Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết số 1970 về tình hình ở Libya và thông báo cho công tố viên của ICC. Sau khi thực hiện điều tra sơ bộ, các công tố viên xác định rằng có đủ bằng chứng để chứng minh rằng tội phạm chống lại nhân loại đã và đang được thực hiện dưới chế độ của Muammar Gaddafi. Theo báo cáo của công tố viên gửi Hội đồng Bảo an vào đầu tháng 5 năm 2011, có bằng chứng cho thấy xuất hiện các hành vi tội phạm như hiếp dâm, cưỡng bức trục xuất đối với thường dân, cấu thành tội phạm chiến tranh theo Quy chế Rome thuộc thẩm quyền của Toà. 5. Vai trò của Liên hợp quốc trong thực hiện các hoạt động hợp tác và hỗ trợ các quốc gia thành viên thực hiện nghĩa vụ bảo đảm và thúc đẩy quyền con người Kể từ khi thành lập vào năm 1945, một trong những mục tiêu cơ bản của Liên hợp quốc là thúc đẩy và khuyến khích sự tôn trọng quyền con người của tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hoặc tôn giáo, như được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc. Thực hiện mục tiêu này, Liên hợp quốc đã tiến hành “lồng ghép” và đưa vấn đề quyền con người vào hầu hết các chương trình hành động của mình nhằm đảm bảo rằng hòa bình, an ninh, phát triển và quyền con người - ba trụ cột thiết yếu của hệ thống Liên hợp quốc - được liên kết và củng cố lẫn nhau. Nhìn chung, bên cạnh việc xây dựng khung pháp luật và hoàn thiện các thiết chế trong bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, Liên hợp quốc cũng thực hiện các hoạt động hợp tác, hỗ trợ để giúp các quốc gia thành viên và các thực thể khác thực hiện việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên phạm vi toàn cầu. Có thể kể đến một số hoạt động hỗ trợ như: Tăng cường hợp tác kỹ thuật trong đảm bảo quyền con người Liên hợp quốc và các cơ quan chuyên môn hỗ trợ các Chính phủ trong thực hiện các tiêu chuẩn quyền con người quốc tế mà họ đã cam kết. Chương trình Hợp tác Kỹ thuật của Liên hợp quốc trong lĩnh vực Quyền con người bắt đầu triển khai các hoạt động từ năm 1955, trong đó cải thiện cuộc sống hàng ngày của người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau là trọng tâm . Có nhiều hình thức hỗ trợ kỹ thuật được thực hiện như: cung cấp dịch vụ tư vấn chuyên môn, các khóa đào tạo, hội thảo và chuyên đề, học bổng và trợ cấp như: cung cấp tư vấn pháp lý về các vấn đề quyền con người để đưa chúng vào các chính sách và thực tiễn; tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập, chuyển giao kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện và thúc đẩy quyền con người cũng như củng cố các thể chế quốc gia; cung cấp các chương trình giáo dục quyền con người nhằm thúc đẩy văn hóa quyền con người; nâng cao nhận thức về quyền con người; truyền đạt về các chương trình và quan hệ đối tác thành công; tạo điều kiện đối thoại giữa các bên liên quan khác nhau về các vấn đề quyền con người; và hỗ trợ sự tham gia và hoạt động của các cơ chế quốc tế về quyền con người . Hỗ trợ thực hiện việc giám sát thực thi quyền con người. Liên hợp quốc, thông qua văn phòng Cao uỷ Liên hợp quốc về quyền con người (OHCHR) cũng thực hiện các hoạt động nhằm hỗ trợ các chuyên gia độc lập theo các thủ tục đặc biệt khi họ thực hiện các chuyến thăm đến các quốc gia; Hành động trong từng trường hợp vi phạm quyền con người cụ thể bằng cách gửi thông tin đến cho các quốc gia . Bên cạnh đó, thông qua OHCHR, Liên hợp quốc cũng đã xây dựng bộ công cụ nhằm hướng dẫn các quốc gia thành viên trong việc xây dựng tài liệu (báo cáo) để nộp cho các uỷ ban công ước về quyền con người. ; Đồng thời, phát triển một khung chỉ số nhằm đáp ứng nhu cầu lâu dài về việc phát triển và triển khai các chỉ số thống kê phù hợp nhằm thúc đẩy hơn nữa các quyền con người . 6. Kết luận Kể từ khi thành lập vào năm 1945, việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản là trọng tâm trong mục đích và hoạt động của Liên hợp quốc. Từ quyền của phụ nữ và trẻ em, đến quyền của người khuyết tật, người thiểu số…, việc hình thành một cơ chế quốc tế toàn cầu trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người được coi là một trong những thành tựu to lớn của Liên hợp quốc. Là một tổ chức liên chính phủ toàn cầu, Liên hợp quốc có trách nhiệm giải quyết tất cả những thách thức toàn cầu hiện nay từ nghèo đói, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững cho đến quyền trẻ em, giải trừ quân bị, an ninh lương thực, bình đẳng giới, di cư cưỡng bức… Tuy nhiên, bản thân Liên hợp quốc cũng đang phải đối mặt với không ít vấn đề như thách thức đối với uy tín của tổ chức này sau những hành động đơn phương của một số quốc gia khi phớt lờ các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế được Hiến chương ghi nhận; thiếu hụt ngân sách do nhiều quốc gia cắt giảm các khoản đóng góp tài chính; cơ chế bỏ phiếu tại HĐBA… Những thách thức này đòi hỏi các quốc gia thành viên phải nỗ lực hơn nữa trong việc cải tổ Liên hợp quốc một cách toàn diện và có hệ thống, phù hợp với bối cảnh quốc tế mới để tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò của Liên hợp quốc trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người./. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Report of the human rights inquiry commission established pursuant to Commission resolution S-5/1 of 19 October 2000 (E/CN.4/2001/121), para. 122. 2. Department of Foreign Affairs and Trade, The Human Rights Manual (fourth edition), https://www.dfat.gov.au/sites/default/files/human-rights-manual-fourth-e..., truy cập ngày 5/10/2023. 3. Human Rights Council, Universal Periodic Review, https://www.ohchr.org/en/hr-bodies/upr/upr-home, truy cập 02/11/2023. 4. Human Rights Council, Human Rights Council Complaint Procedure, https://www.ohchr.org/en/hr-bodies/hrc/complaint-procedure/hrc-complaint..., truy cwww.ohchr.org/ 5. Human Rights Committee (HRC), General Comment No. 18 - Non-discrimination, https://tbinternet.ohchr.org/_layouts/15/treatybodyexternal/TBSearch.asp..., truy cập 22/11/2023. 6. International Court of Justice (1996), Reports of judgements, advisory opinions and orders - Legality or Threat of Use of Nuclear Weapons, Advisory Opinion of 8 July 1996, https://www.icj-cij.org/sites/default/files/case-related/95/095-19960708..., truy cập ngày 1/11/2023. 7. Inter-American Commission on Human Rights, Report No.55/97, Case No.11.137: Argentina, OEA/Ser/L/V/II.98, Doc.38, December 6 rev,1997, para. 183. 8. Morten Kjaerum, From International Law to Local Communities: The Role of the United Nations in the Realization of Human Rights, https://www.un.org/en/chronicle/article/international-law-local-communit..., truy cập ngày 29/11/2023. 9. Nguyễn Thị Kim Ngân & Nguyễn Thị Hồng Yến (2024, Đồng chủ biên), Pháp luật và thực tiễn thực thi khuyến nghị của các thiết chế quốc tế về các quyền dân sự, chính trị tại Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật. 10. OHCHR, International Bill of Human Rights, https://www.ohchr.org/en/what-are-human-rights/international-bill-human-..., truy cập ngày 15/11/2023. 11. OHCHR, International Human Rights Law, https://www.ohchr.org/en/instruments-and-mechanisms/international-human-..., truy cập ngày 15/11/2023. 12. OHCHR, Status of Ratification Interative Dashboard, https://indicators.ohchr.org, truy cập 29/11/2023. 13. OHCHR, Technical Cooperation in the field of human rights, https://www.ohchr.org/en/countries/technical-cooperation, truy cập 28/11/2023. 14. OHCHR, Guidelines and tools for treaty body reporting, https://www.ohchr.org/en/treaty-bodies/guidelines-and-tools-treaty-body-..., truy cập ngày 18/2/2024 15. UN Secretary-General, COMPILATION OF GUIDELINES ON THE FORM AND CONTENT OF REPORTS TO BE SUBMITTED BY STATES PARTIES TO THE INTERNATIONAL HUMAN RIGHTS TREATIES, HRI/GEN/2/Rev.6 3 June 2009, https://documents.un.org/doc/undoc/gen/g09/428/29/pdf/g0942829.pdf?token..., truy cập ngày 18/2/2024 16. OHCHR, Human rights indicators, https://www.ohchr.org/en/instruments-and-mechanisms/human-rights-indicators, truy cập ngày 18/2/2024 17. Phạm Hồng Hạnh (2021), “Vai trò của Liên hợp quốc trong đảm bảo thực thi các quy định của luật nhân đạo quốc tế về bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 4/2021. 18. Security Coucil (1994), S/1994/1125, Preliminary report of the Independent Commission of Experts established in accordance with Security Council resolution 935 (1994) (S/1994/1125) https://www.securitycouncilreport.org/atf/cf/%7B65BFCF9B-6D27-4E9C-8CD3-..., truy cập ngày 5/11/2023. 19. United Nations, Thematic Mandates, https://spinternet.ohchr.org/ViewAllCountryMandates.aspx?Type=TM, truy cập 02/11/2023.

Bài viết cùng số

Không có kết quả !